Vấn đề áp lực học tập của học sinh tuổi học đường
Hiện nay, học sinh phải chịu rất nhiều áp lực từ môi trường cũng như chương trình học tập. Theo những chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề và hàn lâm. Việc tháo gỡ được điều này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, từ tự tử vì áp lực đến học thêm, dạy thêm.
Học sinh áp lực vì phải học quá nhiều
Thực tế, học sinh tuổi học đường đang phải chịu nhiều áp lực từ chương trình học . Những kiến thức được giảng dạy quá nặng và thiếu thực tế. Tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục, GS Phạm Phụ nói:
“Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề, quá hàn lâm. Chúng ta cần giải quyết ngay vấn đề này. Nếu chúng ta giải quyết được việc này chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác, từ tự tử vì áp lực cho đến dạy thêm học thêm”.
Cũng theo GS Phạm Phụ, nên giảm khối lượng và tính hàn lâm của chương trình. Đồng thời, không thể yêu cầu chương trình giáo dục giống nhau giữa các vùng miền.
Cùng quan điểm này, bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng trong chương trình giáo dục hiện nay khối lượng kiến thức hàn lâm còn quá nhiều.
“Ta nói phát huy sáng tạo của học sinh nhưng thực tế là học thuộc lòng nhiều, triệt tiêu sáng tạo ngay tại trường. Trong giáo dục tôi thấy cũng chưa giáo dục làm người, kỹ năng làm việc. Mặc dù ta luôn nói học đi đôi với hành nhưng ta chưa giáo dục hành, chưa thấy hành đâu” – bà Thảo nói.
Nó về vấn đề này, Chuyên gia giáo dục của trường Cao đẳng Dược cũng chia sẻ: Chưa có giai đoạn nào mà học sinh phải chịu áp lực học tập như bây giờ. Đây thực sự là vấn đề rất bức xúc mà các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ và tập trung tháo gỡ.
Áp lực từ đâu?
Theo chia sẻ của bà Ngô Thị Minh – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội , áp lực ở đây không chỉ dồn vào học sinh mà cả với giáo viên. Tại nhiều cơ sở đào tạo, trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đảm bảo điều kiện dạy và học.
Chẳng hạn tại Hà Nội có những trường như Trường tiểu học Dịch Vọng A (Q.Cầu Giấy) lớp nào cũng 60 học sinh/lớp. Điều đã khiến cả giáo viên và học sinh bị quá tải, buộc thầy và trò phải rất nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy, học, cố gắng giữ thương hiệu.
Bên cạnh đó, tình trạng “học chay” vẫn phổ biến. Do thiết bị dạy học thiếu thốn, điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học, để quan tâm tới từng học sinh không được đảm bảo. Giáo viên phải dạy theo kiểu mô tả kiến thức, học sinh phải tiếp nhận theo kiểu trừu tượng.
Theo một số tin tức giáo dục, trong quá trình giám sát của ủy ban, nhiều trường cũng có phòng học bộ môn nhưng lại thiết kế không thích hợp với yêu cầu dạy học.Thực tế, có những mô hình tiên tiến như mô hình trường học mới . Tuy nhiên, do điều kiện dạy học không đảm bảo, sĩ số lớp quá đông, nên dù áp dụng mô hình giáo dục tốt cũng không đạt hiệu quả.
Chương trình hiện hành vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, trong khi điều kiện dạy học chưa đảm bảo nên học sinh cảm thấy nặng. Bên cạnh đó, chương trình mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, định hướng tăng cường dạy học tích hợp, tăng thực hành, vận dụng kiến thức là đúng.
Chính vì thế, để chất lượng giáo dục nâng lên, để giảm áp lực cho học sinh thì còn cần điều chỉnh ở những khâu khác nữa.